Xây dựng website doanh nghiệp: “Tôi nên làm gì đầu tiên?”
Tình hình chung khi các công ty “đập tiền làm web”
Với xu thế mua sắm, trải nghiệm và xây dựng niềm tin giữa thương hiệu với người dùng trên các nền tảng số ngày nay, việc các công ty sở hữu một website “chuẩn chỉnh” không còn là điều kiện cần mà đã trở thành yêu cầu tiên quyết.
Vai trò to lớn của website đối với doanh nghiệp: là cửa ngõ thông tin của các đối tượng độc giả; tạo lưu lượng truy cập (traffic) và chuyển đổi thành khách hàng tiềm năng; bán sản phẩm, dịch vụ và mang lại doanh thu; tạo cơ hội tối ưu nhận diện, khẳng định vị thế và thu hút khách hàng mới; trở thành kênh phát ngôn chính thống và kho nội dung hữu ích của doanh nghiệp và ngành.
Tuy nhiên với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), do thiếu tư duy tổng thể và tầm nhìn dài hạn, việc định hình và phát triển hệ thống website nói riêng và hoạt động digital marketing của họ nhìn chung còn vụn vặt, tốn công sức nhưng chưa đáp ứng nhu cầu kinh doanh, tiếp thị số của doanh nghiệp.
Dựa trên kinh nghiệm làm việc cùng các SMEs, anh Andy Vũ cho rằng hầu hết khi nhắc đến website, họ chỉ nghĩ đến một trang thông tin cơ bản về doanh nghiệp, thiếu sự cập nhật liên tục xoay quanh sản phẩm, thị trường - xu hướng, thiếu đầu tư vào các nội dung mang lại giá trị thực sự cho người dùng...
Khâu quản trị website cũng được các công ty này giao cho nhân sự chưa đủ chuyên môn kiến thức, kỹ năng để định hướng, đưa ra các đề xuất phát triển website phù hợp.
Thông thường, các doanh nghiệp nhỏ không có thế mạnh cốt lõi về Marketing - Truyền thông tại Việt Nam sẽ thường chọn hợp tác với đơn vị thiết kế website hoặc digital agency để xây dựng website cho công ty.
Điều này dẫn đến một câu hỏi lớn: “Tôi nên chọn đơn vị làm website uy tín ở đâu?”.
Gõ cụm từ “đơn vị làm website uy tín” trên Google, có khoảng 36.900.000 kết quả! Một con số không quá bất ngờ nếu xét trong làn sóng số hóa mọi hoạt động kinh doanh - tiếp thị và nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay.
Khoan khoan! Trước khi chọn một đối tác làm website “sang, xịn, mịn”, chúng ta cần hiểu rõ về “giao diện” của doanh nghiệp mình: vì sao cần làm website, có các loại hình website nào, đâu là các yếu tố tạo nên một website tốt…
Từ đó, CEO hay đại diện phòng Marketing của doanh nghiệp mới đánh giá được chính xác mức độ phù hợp để chọn ra đơn vị xây dựng website phù hợp.
Vai trò của website đối với công ty
Các chuyên gia digital marketing chỉ ra 5 vai trò chính của website đối với hình ảnh, hoạt động kinh doanh của công ty: tạo lợi thế cạnh tranh, điểm chạm xuyên suốt với khách hàng, giảm chi phí, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, yếu tố thuyết phục nhà đầu tư.
Thứ nhất, nếu không “tân trang” website của mình, doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi trong việc tiếp cận khách hàng mục tiêu. Một thương hiệu hiện diện chỉn chu trên tất cả thiết bị, dễ điều hướng và cung cấp cho người dùng mọi thông tin hữu ích sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp.
Thứ hai, website là một điểm chạm xuyên suốt giữa khách hàng với thương hiệu với khả năng tiếp cận hàng triệu người dùng trong suốt 24 giờ mỗi ngày.
Thứ ba, website giảm được các khoản chi phí xuất bản: thiết kế, in ấn, phân phối các tài liệu tiếp thị; chi phí marketing: chủ động bố trí dữ kiện quảng cáo toàn trang, dễ dàng điều chỉnh thay vì phụ thuộc nhiều vào bên thứ ba cho thuê các vị trí quảng cáo banner.
Thứ tư, một trang web giúp công ty tạo được hình ảnh chuyên nghiệp, khẳng định tầm nhìn và truyền tải thông điệp thương hiệu, tạo niềm tin mua hàng cho người dùng.
Thứ năm, với các doanh nghiệp đang cần rót vốn từ các nhà đầu tư, một website là chìa khóa quan trọng khẳng định tính chuyên nghiệp của công ty, giúp nhà đầu tư đánh giá tổng quan “giao diện” doanh nghiệp trước khi ra quyết định.
Phân loại website theo mục đích của doanh nghiệp
Theo anh Andy Vũ (DigiMind), website có thể chia ra một số loại theo mục đích của doanh nghiệp như sau: Cung cấp thông tin, Branding, Truyền thông, Bán hàng, Xây dựng cộng đồng…
Thứ nhất là website nhằm cung cấp thông tin về thương hiệu
Website dạng này thường chỉ mang tính chất giới thiệu về công ty, một sản phẩm/dịch vụ đi kèm các kênh phục vụ bán hàng (đại lý, bảo hành…). Website này không có các tính năng mua hàng, thanh toán hay hỗ trợ các hoạt động bán hàng online.
Thứ hai là website bán hàng
Dạng website này khá phổ biến vì nhu cầu bán hàng trực tuyến ngày càng cao, người dùng có thể vào trang web để tiến hành mua sắm: xem sản phẩm, cho vào giỏ hàng, để lại thông tin, thanh toán mua hàng, hoặc có thể tương tác trực tiếp với bộ phận chăm sóc khách hàng trên trang.
Thứ ba là website tích hợp giữa thông tin doanh nghiệp và bán hàng
Dạng website này cũng được các doanh nghiệp kết hợp nhiều vì “nhất cử lưỡng tiện".
Doanh nghiệp vừa có thể truyền thông về thương hiệu, sản phẩm..., vừa xúc tiến bán hàng dễ dàng.
Thứ tư là website thương mại điện tử
Dạng website này yêu cầu các tính năng phức tạp hơn vì việc quản lý sản phẩm còn liên quan đến các vấn đề tồn kho, vận chuyển, giao nhận, ngoài ra còn là các tính năng phục vụ việc phát triển trải nghiệm khách hàng mua hàng online và các hệ thống quảng cáo tiếp thị lại.
Ai trong chúng ta cũng đều quen thuộc với Shopee, trang thương mại điện tử số 1 Việt Nam hiện nay luôn đầu tư “khủng” vào việc phát triển các tính năng tối ưu trải nghiệm của người mua sắm trực tuyến.
Thứ năm là website xây dựng cộng đồng
Loại hình website này thường thiên về cung cấp các thông tin hữu ích xoay quanh những chủ đề, lĩnh vực nhận nhiều sự quan tâm từ cộng đồng, từ đó thúc đẩy mở rộng, tăng cường kết nối với các thành viên.
Chẳng hạn trong lĩnh vực Digital Marketing vốn luôn "nóng" những năm gần đây, trang Conversion.vn chuyên cung cấp các nội dung tối ưu hiệu quả tiếp thị số (digital performance) từ kinh nghiệm của chuyên gia Bùi Quang Tinh Tú.
Hay trang Marketing AI của đơn vị agency có tiếng trong giới marketing là Admicro như một thư viện tổng hợp "tất tần tật" về ngành: tin tức, sự kiện, các bài học tiếp thị qua case study, bài viết phân tích tính sáng tạo/hiệu quả branding của các ý tưởng truyền thông tiếp thị, các bài tóm tắt báo cáo xu hướng thị trường...
Ngoài cách phân loại theo mục đích như trên, anh Andy Vũ cũng chia sẻ các cách phân loại website khác, chẳng hạn theo tính năng, theo khán giả mục tiêu…
Phân loại website theo tính năng
Thứ nhất, Corporate Site là website của các công ty, tập đoàn lớn
Đặc thù trang web dạng này là tổng hợp nhiều thông tin giới thiệu mô hình tổ chức, sản phẩm/dịch vụ, tin tức, sự kiện…..
Quy mô website thường khá lớn, tốn nhiều thời gian triển khai và quản trị phức tạp. Yêu cầu của Corporate Site là doanh nghiệp cần sở hữu nguồn lực IT mạnh để vận hành.
Thứ hai, Microsite là một website nhỏ, đăng tải các nội dung về chuyên môn, kiến thức, chia sẻ cộng đồng…
Microsite thường được các doanh nghiệp xây dựng với mục tiêu hỗ trợ các hoạt động marketing hướng tới người dùng và thường có một domain riêng biệt không liên quan đến domain chính của website.
Thứ ba, Landing Page một website nhỏ được đặt trên một website lớn dạng trang đích
Mục tiêu của Landing Page là dùng để giới thiệu 1-2 sản phẩm cụ thể, tập trung nỗ lực và việc bán hàng, thu thập dữ liệu hoặc giới thiệu một sự kiện.
Phân loại website theo người dùng mục tiêu
Như anh Andy Vũ (DigiMind) đã phân tích, nhiệm vụ của website nhiều hơn việc bán hàng hay tiếp thị. Là bộ mặt của doanh nghiệp, website còn hướng đến các nhóm đối tượng đặc thù hơn như: nội bộ doanh nghiệp, ứng viên tiềm năng, các nhà đầu tư…
Một xu hướng đang phát triển nhanh chóng gần đây là website hướng đến nội bộ công ty, tổ chức. Tiên phong và nổi tiếng nhất là FPT với https://chungta.vn/, không chỉ là tin tức cho nội bộ mà giờ đây đã trở thành kênh chia sẻ thông tin ra bên ngoài.
Với nỗ lực hướng đến cộng đồng nhân sự hạnh phúc, thương hiệu thời trang YODY đã phát triển trang YODY Lifestyle chuyên cập nhật mọi thứ về con người, cuộc sống xoay quanh các thành viên YODYer, từ đó tạo dựng hình ảnh thương hiệu tích cực đến các ứng viên tiềm năng mới.
Top 7 tiêu chí đánh giá chất lượng website
Là đại diện đơn vị tư vấn và thực thi các chiến dịch tiếp thị số DigiMind, anh Andy Vũ đưa ra 7 tiêu chí hàng đầu dùng để đánh giá chất lượng website mà CEO/marketing manager của các doanh nghiệp, đặc biệt SMEs cần nắm: cấu trúc sitemap, design, coding, content, user interface (giao diện người dùng), user experience (trải nghiệm người dùng), tốc độ tải trang.
Thứ nhất: Cấu trúc sitemap tốt
Đầu tiên, việc xác định rõ mục tiêu làm website (thông tin doanh nghiệp, bán hàng hay cả hai) giúp định hình cấu trúc sitemap và các tính năng phục vụ người dùng mà doanh nghiệp hướng đến.
Ở góc độ kỹ thuật, một sitemap tốt giúp bot Google thu thập thông tin nhanh và đánh giá chất lượng website cao hơn.
Từ phía người dùng, sitemap được thiết kế tương ứng với hồ sơ truyền thông hay câu chuyện thương hiệu (Brand Story) biến website thành công cụ truyền thông mở, giúp người đọc hay các "bên truyền thông thứ ba" dễ dàng thu thập thông tin từ doanh nghiệp, tạo hiệu ứng lan truyền thông tin sản phẩm/thương hiệu của công ty nhanh chóng, hiệu quả.
Thứ hai: Coding cần giải được bài toán về tổ chức nội dung và nhu cầu riêng của DN trên môi trường trực tuyến hơn là đặt nặng yếu tố công nghệ
Code website là "các chuỗi mã liên kết" của những mã nguồn có sẵn như php. html.css... để tạo một trang web hoàn chỉnh, chứa các chức năng phù hợp với các mục đích sử dụng.
Tuỳ theo định hướng từng doanh nghiệp mà đơn vị lập trình web sẽ áp dụng từng loại code phù hợp: code trang doanh nghiệp ưu tiên hiển thị thông tin doanh nghiệp; code trang bán hàng chú trọng tính bảo mật thông tin thanh toán khách hàng; code trang tin tức tìm cách tối ưu tính logic và giữ chân người đọc ở lại trang lâu hơn...
Thứ ba: Design làm nổi bật mô hình kinh doanh và nhận diện thương hiệu
Các yếu tố này thể hiện trên website thông qua giao diện chính, layout thiết kế, cách sử dụng hình ảnh và màu sắc...Vai trò của Design trong Website là phải làm ra được "chất" của mỗi ngành và "bản sắc" riêng của mỗi thương hiệu.
Cụ thể, giao diện cần tạo được dấu ấn riêng của thương hiệu; các thành phần trong giao diện cần được sắp xếp khoa học, tạo thuận tiện khi truy cập; hình ảnh và màu sắc nêu bật được thông điệp và tính cách thương hiệu (Brand Personality), đồng thời tạo sự dễ chịu, bắt mắt người xem.
Thứ tư: User Interface (UI)
Là thứ mà người dùng mục tiêu sẽ nhìn thấy, cảm nhận trực tiếp qua màn hình thiết bị.
Do đó, UI cần tạo ra một hình ảnh bắt mắt, tạo cảm giác lôi cuốn, súc tích nhưng vẫn đủ ý và điều hướng được người dùng.
Trường Doanh Nhân Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie Việt Nam) là case study điển hình khi "make over" thành công.
Nhờ sự tư vấn từ cả đơn vị truyền thông và digital marketing agency, thiết kế website của thương hiệu đã được nâng cấp để trở nên thu hút các khách hàng mục tiêu hơn.
Màu sắc, bố cục và hình ảnh sử dụng xuyên suốt website tạo cảm giác hài hoà, đúng nhận diện thương hiệu và tạo được uy tín cho tổ chức giáo dục Dale Carnegie.
Thứ năm: Content truyền tải giá trị và thông điệp thương hiệu đến độc giả
Đa phần người dùng ngoài việc truy cập mua hàng, họ truy cập website doanh nghiệp còn để tìm kiếm thông tin, nội dung cần thiết.
Lúc này, việc website sở hữu các bài viết chất lượng được tối ưu SEO, tiêu đề hấp dẫn, nội dung bên trong giúp người đọc giải quyết vấn đề và chứa yếu tố thúc đẩy hành động... giúp giữ chân người dùng mục tiêu được lâu hơn, tạo ra sự gắn kết sâu sắc giữa họ và thương hiệu.
Trên thực tế, những bài viết có tư duy sắc sảo, lập luận logic, thể hiện câu chuyện thương hiệu một cách hấp dẫn và đúng đắn đôi khi có thể cứu cả một chiến lược truyền thông - tiếp thị chỉ quan tâm "đốt tiền" vào các công cụ.
Chị Tracy Vũ, đại diện một PR Agency tại TP.HCM quan niệm rằng làm wesbite cũng tương tự công tác truyền thông của doanh nghiệp.
"Một website tối ưu là có khả năng đồng bộ hóa với các hồ sơ truyền thông hay thương hiệu. Do đó doanh nghiệp cần thực sự hiểu và xác định rõ ràng mục đích của website, đồng thời đặc biệt chú tâm đến 'linh hồn' của công cụ này: nội dung bởi đây sẽ là vũ khí tối thượng để doanh nghiệp kể thành công câu chuyện sứ mệnh của mình và tiếp cận các đối tượng một cách sâu sắc."
Thứ sáu: User Experience (UX)
Là một tiêu chí quan trọng nói lên tính tiện lợi của việc sử dụng website. Từ các hiệu ứng, nút bấm, mức độ trực quan khi lướt xem thông tin sản phẩm dịch vụ, dễ thao tác mua hàng, thanh toán… cho đến sự tương tác với livechat, tính kết nối Facebook, Youtube…
Tất cả đều cần được thiết kế tối ưu nhất với trải nghiệm thông tin và mua hàng 4.0.
Thứ bảy: tốc độ tải trang nhanh
Yếu tố này sẽ quyết định người dùng liệu có ở lại lâu hơn trên trang không, từ đó tạo ra các cơ hội bán hàng.
Vì liên quan trực tiếp đến kỹ thuật, doanh nghiệp cần tìm các đơn vị có chuyên môn để tư vấn, lựa chọn các giải pháp thiết kế, lập trình website phù hợp.
Sau khi đã nắm chắc vai trò, phân loại, tiêu chí quyết định chất lượng trang web; lúc này đại diện các doanh nghiệp mới có thể ra quyết định đầu tư, hợp tác với đơn vị làm website phù hợp.
Nếu thiên về xây dựng thương hiệu, muốn tạo hiệu ứng tốt bằng hình ảnh cho người dùng mục tiêu, doanh nghiệp nên chọn các đơn vị có background về design.
Với doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư nhiều vào nội dung, biến website thành trang cung cấp tin tức giá trị cho độc giả..., đơn vị tư vấn, làm website sở hữu thế mạnh truyền thông, nội dung là lựa chọn phù hợp.
Có thể, doanh nghiệp chỉ cần đơn vị này tư vấn về sitemap hay cấu trúc nội dung phù hợp.
Chính vì vậy, công ty nên tập trung cho tiếp thị số nên chọn đơn vị có background về Digital, muốn đẩy mạnh bán hàng nên chọn đơn vị hiểu sâu về kỹ thuật, coding để tối ưu trải nghiệm mua hàng trực tuyến...
Nguồn: Trends Việt Nam
--
DIGIMIND AGENCY - MINDSET FIRST
🏠 Dịch vụ: Strategic Consultant, Digital Marketing, Public Relation, Academy
🏠 Địa chỉ: Toà nhà Rocland, 112 Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội
☎️ Hotline: 0972 36 88 55
🌐 Website: www.digimind.vn
📩 Email: info@digimindvn.com