Pharmerging Market là từ dùng để chỉ một nhóm các quốc gia đang phát triển - nơi có việc sử dụng dược phẩm đang tăng nhanh, dự kiến sẽ có mức tăng trưởng tổng chi tiêu cho thuốc nhanh nhất trong vòng ba năm tới.
Ngành dược thế giới bắt đầu phát triển từ những năm 20 của thế kỷ trước.
Thụy Sĩ, Đức và Ý là những nước đầu tiên phát triển công nghiệp dược, tiếp sau đó là Anh, Mỹ, Bỉ, Hà Lan.
Qua nhiều thập kỷ phát triển, môi trường sản xuất và kinh doanh dược phẩm có nhiều thay đổi.
Hoạt động mua bán sáp nhập trên quy mô toàn cầu đã khiến một số tập đoàn dược phẩm khổng lồ thống trị thị trường dược thế giới và kiểm soát nền công nghiệp dược phẩm toàn cầu.
Ngành công nghiệp dược phẩm có thể xem là một trong những ngành chống chọi mạnh mẽ với những khủng hoảng.
Minh chứng là cơn đại dịch COVID-19 bùng phát thời gian qua đã khiến cho ngành dược vừa có cơ hội chuyển mình mà cũng vừa đối đầu với vô vàn thử thách.
Khi nhắc đến ngành công nghiệp dược phẩm, người ta thường nhắc đến những “ông lớn" trong ngành như Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản…
Tuy nhiên để hình thành nên một ngành công nghiệp dược luôn có mức phát triển ổn định và tăng trưởng về doanh thu đều đặn thì không thể không nhắc đến sự đóng góp của nhóm thị trường ngành dược mới nổi, hay còn gọi là Pharmerging Market.
Vậy Pharmerging Market - thị trường ngành dược mới nổi là gì, vì sao lại có thị trường này và nó có đóng góp như thế nào đối với thị trường ngành dược nói chung?
Khái niệm về Pharmerging Market
Pharmerging Market là từ dùng để chỉ một nhóm các quốc gia đang phát triển - nơi có việc sử dụng dược phẩm đang tăng nhanh, dự kiến sẽ có mức tăng trưởng tổng chi tiêu cho thuốc nhanh nhất trong vòng ba năm tới.
Các quốc gia được xếp vào nhóm Pharmerging sẽ trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất thuốc.
Theo đánh giá của IMS Health, có tất cả 17 quốc gia được xếp vào Pharmerging Market - thị trường ngành dược mới nổi và chia thành 3 nhóm:
Nhóm 1: Trung Quốc
Từ năm 2013, quốc gia này đã ghi nhận hơn 40 tỷ USD tổng tiền sử dụng thuốc.
Tăng trưởng chính chủ yếu đến từ các thuốc generic được sản xuất và tiếp thị bởi các doanh nghiệp nội địa, bên cạnh nhu cầu đối với các thuốc phát minh mới ngày càng tăng cao, đặc biệt là tại khu vực thành thị.
Nhóm 2: Brazil, Nga, Ấn Độ.
Nhóm quốc gia này ghi nhận tổng tiền sử dụng thuốc từ 5 – 15 tỷ USD từ năm 2013.
Trong đó, Brazil và Nga đang đạt được mức tăng trưởng “hai con số” trong các năm gần đây.
Trong khi Ấn Độ ghi nhận sự nổi lên của nhóm dân cư thuộc tầng lớp trung lưu với sự cải thiện đáng kể của hệ thống cơ sở hạ tầng y tế và nhận thức về chăm sóc sức khỏe.
Nhóm 3: Gồm 13 quốc gia: Venezuela, Ba Lan, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Việt Nam, Nam Phi, Thái Lan, Indonesia, Rumani, Ai Cập, Pakistan và Ukraina.
Nhóm này cũng có mức tăng trưởng nhanh nhất trong 3 nhóm, có thể đến 20%/năm với sự linh hoạt và chủ động thay đổi để thích nghi với các biến động trong chính sách, vốn chưa được hoàn thiện, của cơ quan quản lý sở tại.
Như vậy có thể thấy, cách phân loại này dựa trên tiêu chí cốt lõi là tổng tiền thuốc tiêu thụ hàng năm.
Bên cạnh đó, IMS Health cũng sử dụng các tiêu chí tham khảo khác như mức độ năng động, tiềm năng phát triển của thị trường và khả năng thay đổi để thích nghi với các biến động về chính sách quản lý ngành dược tại các quốc gia này.
Những yếu tố thúc đẩy thị trường dược phẩm mới nổi phát triển
Có một sự thật không thể phủ nhận đó chính là ngành công nghiệp dược phẩm là ngành không ai muốn “mua" nhưng vẫn luôn được “bán" và phát triển trên thế giới.
Đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, khi ý thức về sức khỏe luôn được con người đặt lên hàng đầu thì nhu cầu quan tâm và sử dụng dược phẩm lại ngày càng gia tăng.
Một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thị trường dược phẩm ở các quốc gia trong nhóm Pharmerging đó là sự xuất hiện của nhiều bệnh viện tư nhân cùng với các chi phí chăm sóc sức khỏe được đóng gói chỉn chu, kỹ lưỡng.
Thông qua đó, khách hàng hoặc bệnh nhân sử dụng các dịch vụ y tế luôn được theo dõi và thăm khám kịp thời, quá trình điều trị bệnh cũng diễn ra nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, tỷ lệ mắc nhiều bệnh mãn tính cao và nhận thức của người tiêu dùng đối với các quy trình phát hiện và điều trị bệnh sớm cũng đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của thị trường ngành dược.
Thêm một yếu tố nữa đó là dân số của các nước đang phát triển hiện nay đang có xu hướng già hoá, số lượng những người dễ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như sa sút trí tuệ, cao huyết áp, suy tim, v.v. cũng cao hơn.
Chính vì vậy, nhu cầu kéo về sử dụng thuốc ở các nước này cũng gia tăng.
Đồng thời việc áp dụng các chính sách của chính phủ và các chương trình bồi hoàn ở các quốc gia khác nhau nhằm giảm chi phí điều trị các bệnh mãn tính cũng là nguyên nhân khiến cho thị trường ngành dược có được sự tăng trưởng.
Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều công ty bảo hiểm ở các nước đang phát triển cung cấp nhiều chính sách bảo hiểm để giảm chi phí tự trả cho người dùng khi sử dụng dịch vụ y tế.
Yếu tố này đã phần nào kích cầu người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi để họ sử dụng các dịch vụ y tế.
Yếu tố cuối cùng không thể thiếu trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường ngành dược đó là sự phát triển của khoa học và công nghệ.
Hầu hết các công ty dược phẩm lớn trên trên giới đều tăng cường đầu tư vào các hoạt động R&D rộng rãi trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, miễn dịch học, ung thư học… để đưa ra các phương pháp điều trị tiên tiến.
Chính sự phát triển này là nền tảng vững chắc giúp ngành công nghiệp dược phẩm luôn có “đất” để phát triển.
Các phân khúc của thị trường dược phẩm mới nổi
Hiện nay, các quốc gia thuộc nhóm thị trường dược phẩm mới nổi phân chia phân khúc thị trường dược chủ yếu dựa trên sản phẩm, chỉ định và kênh phân phối.
Theo phân khúc sản phẩm, thị trường dược được phân ra thành các loại như sau:
- Dược phẩm
- Thuốc kê đơn được cấp bằng sáng chế
- Thuốc kê đơn nói chung
- Thuốc không kê đơn
- Chăm sóc sức khỏe
- Các thiết bị y tế
- Chẩn đoán lâm sàng
- Các loại khác
Theo phân khúc chỉ định, thị trường dược phẩm được chia ra cụ thể theo từng loại bệnh như:
- Các bệnh về lối sống
- Ung thư và các bệnh tự miễn dịch
- Các bệnh truyền nhiễm
- Các bệnh khác
Ở phân khúc kênh phân phối, thị trường dược phẩm chủ yếu hoạt động qua các kênh:
- Các bệnh viện
- Các hiệu thuốc bán lẻ
- Cửa hàng trực tuyến
- Các kênh khác
Tại Việt Nam, ngành dược phân phối chủ yếu theo 3 kênh: bệnh viện (ETC), quầy thuốc bán lẻ (OTC) và các phòng khám tư.
Kênh ETC (đấu thầu thuốc bán cho bệnh viện): Chiếm khoảng 70% thị trường thuốc. Kênh phân phối ETC chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là những khu vực có nhiều bệnh viện với nhu cầu thuốc men cao. Thị phần ở kênh này chủ yếu vẫn đến từ thuốc nhập khẩu.
Kênh OTC (phân phối qua các hiệu thuốc): chiếm 30% thị trường thuốc. Tổng số cửa hiệu bán thuốc là 62.000 ( số liệu đến hết năm 2019) – mật độ nhà thuốc ở Việt Nam thuộc vào một trong những nước có mật độ nhà thuốc cao nhất trên thế giới.
Kênh phòng khám bệnh tư nhân: Hiện cả nước có khoảng hơn 35.000 phòng khám tư nhân và số lượng này tiếp tục tăng mạnh qua các năm, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, kênh phòng khám bệnh tư nhân chính là mắt xích quan trọng trong việc phân phối thuốc bởi:
- Đa số người phụ trách phòng khám đều là bác sĩ tại các bệnh viện lớn.
- Nhu cầu khám bệnh tại phòng khám tư nhân đang gia tăng khi các tuyến bệnh viện lớn đều không đáp ứng được.
- Cơ sở vật chất, thiết bị khá hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt trong khi tại các bệnh viện công thì vấn đề này khá nhức nhối.
Lời kết
Đại dịch COVID-19 đã giúp chúng ta nhận ra rằng hơn lúc nào hết cần phải xây dựng một nền y tế lấy bệnh nhân làm trung tâm, trong đó ngành công nghiệp dược phẩm đóng một vai trò quan trọng.
Vai trò của ngành dược phẩm hiện tại và tương lai là vô cùng to lớn bởi nó sẽ đưa ra các giải pháp hiệu quả và nhanh chóng nhất góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Lĩnh vực này đòi hỏi phải liên tục tìm ra những cách mới để tùy chỉnh các loại thuốc trong khi nghiên cứu và phát triển các công cụ và loại thuốc mới.
Chính vì vậy, nhóm thị trường ngành dược mới nổi sẽ có tiếng nói và vai trò quan trọng hơn trên thị trường dược phẩm toàn cầu trong những năm tới.
Nguồn: Trends Việt Nam
--
DIGIMIND AGENCY - MINDSET FIRST
🏠 Dịch vụ: Strategic Consultant, Digital Marketing, Public Relation, Academy
🏠 Địa chỉ: Toà nhà Rocland, 112 Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội
☎️ Hotline: 0972 36 88 55
🌐 Website: www.digimind.vn
📩 Email: ceo@digimind.vn